Trị vì Minh_Vũ_Tông

Chìm đắm trong Báo phòng, hoạn quan lộng quyền

Lúc mới lên ngôi, mặc dù ban đầu Vũ Tông vẫn có những nỗ lực ổn định chính sự để tiếp tục duy trì sự thịnh trị mà Hoằng Trị đế gây dựng, nhưng tính biếng nhác đã ngăn ông trở thành một vị vua giỏi. Chẳng bao lâu sau khi lên ngôi, Minh Vũ Tông dần nản chí và chán ghét chính sự. Trong suốt thời gian trị vì, ông chủ yếu được miêu tả là một hôn quân hoang dâm, sống xa hoa lãng phí, có nhiều hành động liều lĩnh, ngu ngốc và thiếu trách nhiệm. Có một lần, ông bị thương nặng khi đi săn hổ, và không thể thiết triều trong một tháng. Trong một dịp khác, khi sơ ý đốt cháy cung điện của mình lúc đang chuẩn bị thuốc súng trong lễ hội đèn lồng, ông đã bình thản chiêm ngưỡng đám cháy và mô tả với các quần thần rằng "đó là một ngọn lửa đẹp", sau đó chủ trương thu thuế để xây dựng lại cung điện.

Tuy làm nhiều chuyện hoang đường quái dị, Vũ Tông được ghi nhận bởi nhiều tài liệu lịch sử là một nhà chính trị khá hiệu quả, mặc dù đam mê lối sống xa xỉ và từ chối tham dự hầu hết các buổi chầu, ông lại cho thấy mình có năng lực trong các quyết định và quản lý của mình. Ngay cả khi dành phần lớn thời giờ cho những thú vui cá nhân, Chính Đức đế vẫn sắp xếp thời gian lên triều nghe chính sự, phê duyệt tấu chương, quyết định các chính sách lớn của quốc gia. Thậm chí, khi không vào triều, vua cũng thông qua Tư lễ giám truyền đạt mệnh lệnh của mình cho nội các thi hành, cũng như yêu cầu các quan phải chuyển hết tấu chương đến cho ông xử lý[2]. Dưới thời Chính Đức, tuy triều đình thiếu sự nề nếp và khuôn mẫu nhưng nền kinh tế đất nước vẫn tiếp tục phát triển, và cuộc sống người dân nói chung là thịnh vượng[3].

Tấm bia tưởng nhớ đến việc cải tạo Đền thờ Nhan HồiKhúc Phụ, 1509 (năm Chính Đức thứ 4)

Năm 1507, Minh Vũ Tông cho xây Báo phòng (豹房) ở Tây Hoa Môn, bố trí mật thất với hơn 200 gian nhỏ, cả ngày chìm đắm trong đó. Vốn thích săn bắn, Vũ Tông cho bắt nhiều loài thú quý hiếm như hổbáo rồi nhốt chúng ở trong vườn ngoài Báo phòng để thưởng ngoạn. Còn trong Báo phòng, Vũ Tông cho thuê các mỹ nhân giỏi múa hát vào biểu diễn, sau đó nó trở thành nơi ở của các mỹ nữ để hoàng đế ăn chơi trụy lạc. Hậu cung của ông nhiều cung tần mỹ nữ đến mức nhiều người đã chết đói vì không đủ đồ ăn. Sau này vua nghe nói con gái người Hồi có nước da trắng, xinh đẹp thì vô cùng ngưỡng mộ, liền lệnh cho đô đốc Lã Tá Gia giả truyền thánh chỉ triệu những phụ nữ người Hồi giỏi múa hát vào Báo phòng, và thế là Vũ Tông xem họ ca hát nhảy múa thâu đêm suốt sáng.

Chính Đức đế dần trở nên nổi tiếng vì nhiều hành động trẻ con cũng như lạm dụng quyền lực. Ví dụ, do muốn trải nghiệm kinh doanh, ông từng cho làm một khu chợ trong cung điện, ra lệnh cho các quần thần, hoạn quan, binh lính và đầy tớ ăn mặc và hành động như người bán hàng. Trong khi đó, hoàng đế đóng giả làm khách hàng. Bất kỳ người nào không muốn tham gia, đặc biệt là quan lại (những người coi đây là hành động xúc phạm), sẽ bị trừng phạt hoặc bãi nhiệm. Ngoài ra, ông từng đem cả chókhỉ lên điện Phụng Thiên, bắt khỉ ngồi trên lưng chó, sau đó đốt pháo khiến cho chúng hoảng sợ bỏ chạy, khiến triều đình náo loạn, mất hết không khí trang nghiêm[4].

Cạnh ông có 8 hoạn quan hầu cận, hầu hạ cưỡi ngựa, đánh cầu, đuổi hươu, săn thỏ. Tên đứng đầu là Lưu Cẩn (刘瑾), những người còn lại là Trương Vĩnh, Mã Vĩnh Thành, Cốc Đại Dụng, Ngụy Bân, Khâu Tụ, Cao Phượng, La Tường. Minh Vũ Tông chỉ ham chơi, thấy bọn Lưu Cẩn luôn chiều theo ý mình nên rất quý chuộng. Tám tên hoạn quan đó dựa thế hoàng đế, tha hồ ra ngoài cung làm mọi chuyện phi pháp. Dân đương thời gọi chúng là "Bát hổ". Bọn chúng hầu hạ Minh Vũ Tông ăn chơi đủ thứ, thường xuyên lôi kéo ông vào những trò chơi vô bổ và lối sống phóng túng. Chính vì thế, Vũ Tông chểnh mảng việc triều chính, thường vào thiết triều muộn hoặc không đến. Hoàng đế đặc biệt khá nghiện rượu, ông tuyên bố cứ hai ngày mỗi khuya là dắt Trương Vĩnh ra ngoài hoàng cung uống rượu quá độ, quậy phá tại lầu quán, trong lúc say rượu thường đi lang thang bên ngoài, nhận nhầm con gái nhà lành là kỹ nữ, rồi tùy tiện xông vào nhà dân giở trò đồi bại. Thủ lĩnh Bát hổ Lưu Cẩn khét tiếng vì đã lợi dụng vị hoàng đế trẻ tuổi để phung phí số lượng lớn vàng bạc và đồ vật có giá trị, lên đến khoảng 36 triệu lạng vàng và bạc. Quyền thế Lưu Cẩn ngày càng mạnh, khiến triều đình ai cũng khiếp sợ.

Nhưng việc làm của Vũ Tông khiến các triều thần vô cùng thất vọng. Đại học sỹ Lưu Kiện và một số đại thần ba bộ Lại, Hộ, Binh khuyên can Vũ Tông trừ bỏ tám con hổ dữ đó. Bọn Lưu Cẩn được tin, liền khóc lóc với Vũ Tông. Minh Vũ Tông không những không nghe lời can gián, mà còn thăng Lưu Cẩn lên chức Tư lễ giám và cho 2 tên đồng đảng của Lưu Cẩn làm đề đốc Đông xưởng và Tây xưởng. Nắm quyền lớn trong tay, Lưu Cẩn liền tập hợp các đại thần, bắt quỳ trước Kim Thủy Kiều, công bố ghép tội một loạt đại thần là "gian đảng" và đuổi khỏi triều đình. Tháng 4 năm 1506, Binh bộ Thượng thư Lưu Đại Hạ vì khuyên can nên bị cách chức; một tháng sau Lại bộ thượng thư Mã Văn Thăng cũng bị cách chức, thay vào đó là hoạn quan Tiêu Phương. Đến giữa tháng 10 năm đó, đại học sỹ Lưu Kiện, Tạ Di, Lý Đông Dương và Hộ bộ Thượng thư Hàn Văn âm mưu trừ bỏ Lưu Cẩn nhưng không thành, cả ba người Lưu, Tạ và Hàn đều bị cách chức, duy chỉ có Lý Đông Dương do có thái độ mềm mỏng nên được giữ lại. Lúc này Lưu Cẩn đã nắm giữ chức Tư lễ giám kiêm Đốc đoàn doanh, quyền lực mỗi lúc một lớn.

Hàng ngày, bọn Lưu Cẩn bày ra đủ trò vui thú cho Vũ Tông, đợi tới khi Vũ Tông mải mê, mới đưa hàng loạt sớ tấu xin Vũ Tông phê duyệt. Minh Vũ Tông bực mình nói: "Ta nuôi các ngươi để làm gì? Có mấy việc vặt thế này bắt ta tự làm hay sao?". Nói xong, quẳng các sớ tấu cho Lưu Cẩn.

Từ đó, bất kì việc lớn nhỏ, Lưu Cẩn đều không trình lên nữa. Hắn chuyên quyền độc đoán, giả truyền ý chỉ hoàng đế cho các đại thần. Bản thân Lưu Cẩn không thông thạo chữ nghĩa, nên đọc không hiểu nội dung các sớ tấu, liền mang về nhà cho đồng đảng xử lý. Các quan thấy vậy, nên mỗi lần muốn tâu việc gì, chỉ đưa bản sao cho Lưu Cẩn, còn bản chính thì đưa ra trước triều đình.

Dân gian đương thời lưu truyền 1 câu nói: "Trong thành Bắc Kinh có hai Hoàng đế, một Hoàng đế ngồi, một Hoàng đế đứng; một Chu Hoàng đế, một Lưu Hoàng đế".[5]

Có tin đồn cho rằng Lưu Cẩn có ý định giết hoàng đế và cho cháu lên thừa kế. Sợ bị những phe đối lập chống lại, Lưu Cẩn phái đặc vụ của Đông xưởng, Tây xưởng đi do thám khắp nơi. Hắn còn đặt thêm 1 "nội hành xưởng" do tự mình quản lý để bắt bớ người vô tội. Số người bị bức hại lên tới mấy ngàn. Tiếng kêu than, oán giận của dân chúng vang dậy kinh thành. Lưu Cẩn lợi dụng quyền thế, hạch sách bóp nặn, đòi đưa hối lộ. Các quan địa phương tới kinh thành triều kiến, sợ Lưu Cẩn gây khó dễ, đều phải đưa lễ vật trước mặt hắn, mỗi lần có tới 2 vạn lạng bạc, hoặc phải vay nặng lãi mà trả dần. Tất nhiên, khoản tiền đó, lại bổ xuống đầu nhân dân lao động.

An Hóa vương chi loạn

Năm 1510, An Hóa vương Chu Chí Phiên lấy danh nghĩa chống Lưu Cẩn, khởi binh mưu phản, sử gọi là An Hóa vương chi loạn (安化王之乱). Minh Vũ Tông cử Dương Nhất Thanh là võ quan tổng quản vùng Ninh Hạ, Diên Tuy đem quân thảo phạt Chu Chí Phiên, đồng thời cử hoạn quan Trương Vĩnh làm giám quân, trấn áp thành công cuộc nổi loạn, bắt được Chu Chí Phiên.[5] Vũ Tông giam giữ ông ta khoảng một năm rồi sau đó xử tử.

Diệt trừ Lưu Cẩn

Dương Nhất Thanh sau khi dẹp loạn An Hóa vương (安化王之乱), có ý muốn trừ Lưu Cẩn. Ông dò biết Trương Vĩnh vốn là 1 hoạn quan trong "Bát hổ", nhưng từ khi Lưu Cẩn đắc thế, Trương Vĩnh có mâu thuẫn với Lưu Cẩn, liền lôi kéo Trương Vĩnh về phía mình.

Trên đường về kinh, Dương Nhất Thanh ghé sát vào tai Trương Vĩnh, dùng ngón trỏ tay phải viết vào lòng bàn tay trái 1 chữ "Cẩn". Trương Vĩnh nhíu mày nói: "Kẻ đó hàng ngày ở bên mình hoàng thượng, lại nhiều tai mắt, muốn trừ hắn đi rất khó!".

Dương Nhất Thanh nói: "Ngài cũng là thân tín của hoàng thượng. Lần này khải hoàn về kinh, hoàng thượng nhất định sẽ triệu kiến ngài. Nhân dịp đó, ngài tâu rõ nguyên nhân khiến Chu Chí Phiên mưu phản, nhất định hoàng thượng sẽ giết Lưu Cẩn. Đại sự mà thành công thì tên tuổi của ngài sẽ lưu truyền hậu thế".

Trương Vĩnh vốn có hiềm khích với Lưu Cẩn, nay được Dương Nhất Thanh hiến kế, liền quyết tâm thực hiện. Đến Bắc Kinh, Trương Vĩnh ngay trong đêm vào gặp Vũ Tông, tố cáo Lưu Cẩn mưu phản. Minh Vũ Tông liền hạ lệnh cho cấm quân đến bắt Lưu Cẩn. Lưu Cẩn không phòng bị gì, đang ngủ say, bị cấm quân xông vào trói lại, đưa vào nhà lao. Minh Vũ Tông sai cấm quân đến khám xét và tịch thu gia sản của Lưu Cẩn, phát hiện được 24 vạn nén vàng, 5 triệu nén bạc và vô số ngọc ngà châu báu. Ngoài ra, còn khám xét thấy long bào, đai ngọc, khôi giáp, vũ khí. Minh Vũ Tông lúc đó mới giật mình, nổi giận nói rằng: "Tên nô tài này quả nhiên muốn tạo phản", lập tức cho xử tử Lưu Cẩn, dùng lăng trì hành hình. Bên cạnh đó, vua cho đóng cửa cả hai xưởng Đông Tây và giải phóng những đại thần vô tội bị bọn hoạn quan bắt giam.

Lưu Cẩn tuy đã bị giết, nhưng tình trạng ngu tối hủ bại của Vũ Tông đã nghiêm trọng tới mức không thể nào sửa được. Sau khi giết Lưu Cẩn, ông ta lại sùng bái một võ quan là Giang Bân (江彬). Giang Bân rủ rê hoàng đế, nhiều lần rời Bắc Kinh lên tìm thú vui chơi nhiều tháng liền ở Tuyên Phủ (nay là Tuyên Hóa, Hà Bắc), Xương Bình, Mật Vân; có lúc vua đi xa hơn, băng qua Cư Dung quan, ngao du tới Đại Đồng. Nhiều đại thần phản đối những chuyến tuần du của hoàng đế đều bị ông phạt trượng, hoặc giáng chức, bỏ ngục. Trong mỗi chuyến đi như thế, Giang Bân và binh lính đã tìm kiếm rất nhiều con gái đẹp cho hoàng đế bất chấp họ là con nhà quan hay nhà dân, đã kết hôn hay chưa. Vũ Tông cũng để mọi quyền quân sự, chính trị cho Giang Bân giải quyết. Giang Bân vì vậy tha hồ tham nhũng, đòi hối lộ, bài xích người tốt.[5]

Khởi nghĩa nông dân

Hoàng đế bỏ bê chính sự, đất đai tập trung cao độ vào tay địa chủ, thuế má và lao dịch trút lên đầu nhân dân lao động rất nặng nề, nên các cuộc khởi nghĩa nhân dân liên tiếp nổ ra. Năm 1508, một cuộc khởi nghĩa nông dân ở Tứ Xuyên bùng nổ và sau đó lan rộng ra 2 tỉnh Thiểm TâyQuý Châu. Đến năm 1510, vùng phụ cận Bắc Kinh nổ ra cuộc khởi nghĩa do Lưu Lục, Lưu Thất lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa kéo dài trong 2 năm, nghĩa quân hoạt động trong phạm vi 8 tỉnh thuộc Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, 4 lần tiến tới gần Bắc Kinh, giáng 1 đòn nặng nề vào triều đình nhà Minh[5]. Vũ Tông phải cất nhắc sử dụng các đại thần quân chính đã bị phế truất để đối phó với hai cuộc khởi nghĩa này. Năm 1511, hầu hết các cuộc khởi nghĩa của nông dân Tứ Xuyên đều đã thất bại và đến tháng 5 năm 1512, quân nông dân Hà Bắc cũng bị triều đình dẹp yên.

Cải cách thuế

Sau khi đàn áp thành công các cuộc khởi nghĩa nông dân, Minh Vũ Tông quyết định tiến hành cải cách thuế để xoa dịu mâu thuẫn xã hội. Trong tám năm kế tiếp kể từ năm Chính Đức thứ 8 (1513), những chính sách cải cách thuế ở Giang Nam của triều đình đã giảm bớt gánh nặng cho người dân địa phương ở phía nam sông Dương Tử. Hơn nữa, kể từ cuối thời Hoằng Trị đế, khu vực Giang Nam đã bị truy thu với chính quyền trung ương trong một thập kỷ. Chỉ mất hai năm sau đợt cải cách, tất cả đã được thu đủ.

Trận Ứng Châu và cuộc nổi dậy Chu Thần Hào

Năm 1517, vua Mông CổDayan Khan đem quân quấy rối vùng Dương Cao, Sơn Tây. Minh Vũ Tông tự mình là tổng chỉ huy và đem quân dẹp loạn, cùng vũ tướng Giang Bân cầm quân, đại thắng. Sử gọi là Ứng Châu đại tiệp (应州大捷). Trong một thời gian dài sau trận chiến này, quân Mông Cổ đã không còn xâm phạm vào lãnh thổ nhà Minh.

Năm 1519, Ninh vương Chu Thần Hào (稱宸濠) nổi loạnNam Xương, Giang Tây, sử gọi là Ninh vương chi loạn (寧王之亂) hay Thần Hào chi loạn (宸濠之乱). Minh Vũ Tông đã tự phong cho mình là Uy Vũ Đại tướng quân, đích thân đem quân đi chinh phạt Thần Hào. Khi vừa đến nơi, ông nhận được tin Tuần phủ Nam Cám Vương Dương Minh đã dẹp yên cuộc nổi loạn và bắt sống được Chu Thần Hào. Nhận thấy sự thất vọng của Vũ Tông vì không được tự mình bắt được Thần Hào, đám Giang Bân đề xuất thả hắn ra và hoàng đế tự đem quân đuổi theo bắt lại để tỏ rõ uy thế của mình. Sau khi Ninh vương được áp giải đến, Vũ Tông định giết ngay nhưng Vương Dương Minh và các triều thần khuyên can, nên ông phải tạm thời bắt hắn ta làm tù binh. Vào tháng 1 năm 1521, Vũ Tông quyết định bức tử Chu Thần Hào tại Thông Châu, một sự kiện đã được một sứ giả của Bồ Đào Nha ghi lại ngay trên lãnh thổ Trung Quốc.

Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Chu Thần Hào, Minh Vũ Tông lại nhân đó đi tuần du ở vùng Giang Nam. Ông mải mê săn bắn, tiệc tùng, thưởng ngoạn, không còn màng đến chính sự.

Tai họa bí ẩn

Trước cái chết của Vũ Tông vào đầu năm 1521, có tin đồn về một nhóm sinh vật bí ẩn được gọi chung là Tai họa bí ẩn (tiếng Anh: Dark Affliction; tiếng Trung: 黑眚; bính âm: Hēi Shěng) lưu hành trong kinh đô. Các cuộc tấn công của chúng gây ra nhiều bất ổn, bởi vì chúng ngẫu nhiên tấn công người vào ban đêm, gây ra vết thương bằng móng vuốt. Nhiều tướng lĩnh xin hoàng đế viết một sắc lệnh đế quốc tuyên bố quân đội an ninh địa phương sẽ bắt giữ tất cả những sinh vật gây hại này. Mối đe dọa đã mang đến một kết thúc bất ngờ cho sự lan truyền của những câu chuyện.

Quan hệ với Phật giáo và Hồi giáo

Đồ sứ Trung Quốc với chữ Taharat (sạch sẽ) trong thư pháp Thuluth, thời Chính Đức nhà Minh

Vũ Tông bị mê hoặc những người nước ngoài nên mời nhiều người Hồi giáo làm cố vấn, hoạn quan và phái viên tại kinh thành của ông. Các tác phẩm nghệ thuật như đồ sứ dưới thời cai trị của ông có chữ khắc Hồi giáo bằng tiếng Ả Rập hoặc tiếng Ba Tư.

Một sắc lệnh cấm giết lợn đã dẫn đến suy đoán rằng Vũ Tông đã ứng dụng luật đạo Hồi do ông ta sử dụng các hoạn quan Hồi giáo, những người đã được vua ủy thác việc sản xuất đồ sứ với các chữ khắc Ba Tư và Ả Rập bằng màu trắng và xanh; một giả thuyết khác có thể là do cung hoàng đạo của hoàng đế là một con lợn. Tuy nhiên trên thực tế ông vẫn ăn thịt lợn. Không rõ ai thực sự đứng sau sắc lệnh cấm giết mổ lợn.

Vũ Tông ưa thích phụ nữ Hồi giáo nước ngoài, có nhiều mối quan hệ tốt với họ. Nhiều vũ công người Hồi giáo cũng được đưa đến cung điện để phục vụ ông. Ngoài ra, hoàng đế cũng thích phụ nữ Duy Ngô Nhĩ. Theo các sử gia, một người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ đã lọt vào danh sách các phi tần yêu thích nhất của hoàng đế. Người này có họ Mã, được học bắn cung, cưỡi ngựa, hát, cũng như có thể nói nhiều thứ tiếng.[6][7]

Theo Bret Hinsch trong cuốn sách Đam mê đoạn tụ: truyền thống đồng tính nam ở Trung Quốc, Vũ Tông có mối quan hệ đồng tính luyến ái với một thủ lĩnh Hồi giáo đến từ Hami, tên là Sayyid Husain, người từng là giám công ở Hami trong chiến tranh biên giới Minh-Turfan, mặc dù không có bằng chứng thừa nhận điều này tồn tại trong các nguồn của Trung Quốc[8][9].

Ngoài ra Vũ Tông còn sùng bái Phật giáo, thông hiểu kinh Phật bằng tiếng Phạn, thường xuyên tụng kinh gõ mõ trong cung, tự xưng là Đại Khánh Pháp Vương Tây Thiên Giác Đạo Viên Minh Tự Tại Đại Định Huệ Phật.

Quan hệ với châu Âu

Những cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa châu Âu với Trung Quốc diễn ra dưới triều đại của Vũ Tông. Trong một số nhiệm vụ ban đầu do Afonso de Albuquerque của Malacca thuộc Bồ Đào Nha ủy nhiệm, các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha, Jorge Álvares và Rafael Perestrello đã cập bến ở miền Nam Trung Quốc và buôn bán với các thương nhân Trung Quốc ở Tân GiớiQuảng Châu. Năm 1513, vị vua của họ, Manuel I của Bồ Đào Nha đã gửi hai sứ giả Fernão Pires de Andrade và Tomé Pires đến Tử Cấm Thành để chính thức công khai mối quan hệ giữa 2 chính quyền Bắc KinhLisbon, kinh đô của Bồ Đào Nha. Mặc dù Vũ Tông đã ban cho sứ giả Bồ Đào Nha những lời chúc phúc khi đi thăm Nam Kinh vào tháng 5 năm 1520, nhưng sau khi Chính Đức đế qua đời, những người thương nhân Bồ Đào Nha (những người được đồn đại là kẻ gây rối ở Quảng Đông và thậm chí là những kẻ bắt cóc và ăn thịt trẻ em Trung Quốc) đã bị nhà Minh từ chối quan hệ giao thương. Mặc dù buôn bán bất hợp pháp vẫn tiếp tục sau đó, quan hệ chính thức giữa Bồ Đào Nha và triều đình nhà Minh không được cải thiện cho đến những năm 1540, đỉnh điểm là sự đồng ý của nhà Minh vào năm 1557, khi cho phép Bồ Đào Nha thành lập Ma Cao làm cơ sở buôn bán của họ ở Trung Quốc.

Afonso de Albuquerque, người đã ủy thác các liên doanh hàng hải châu Âu trực tiếp đầu tiên đến Trung Quốc từ Malacca thuộc Bồ Đào Nha.

Một trong những kỹ năng tiên tiến nhất của Chính Đức đế là khả năng học ngoại ngữ rất tốt của ông. Ví dụ, khi biết sắp có sứ giả Bồ Đào Nha đến trình diện, ông đã học tiếng Bồ Đào Nha trong một thời gian rất ngắn và thậm chí sau đó có thể tự nói chuyện với người Bồ Đào Nha[10].

Liên minh Trung-Mã Lai chống lại Bồ Đào Nha

Vương quốc Malacca của Mã Lai là một quốc gia phụ lưu và là đồng minh của nhà Minh. Khi Bồ Đào Nha chinh phục Malacca vào năm 1511 và có hành động tàn ác chống lại Vương quốc Mã Lai, triều đình nhà Minh đã đáp trả bằng vũ lực bạo lực chống lại Bồ Đào Nha.

Nhà Minh đã bỏ tù và xử tử nhiều sứ giả Bồ Đào Nha sau khi tra tấn họ tại Quảng Châu. Malacca đã thông báo cho Trung Quốc về hành động xâm lược Malacca của thực dân Bồ Đào Nha, mà nhà Minh đã đáp trả bằng sự thù địch với người Bồ Đào Nha. Malacca nói với Trung Quốc về sự lừa dối mà người Bồ Đào Nha đã sử dụng, ngụy trang các kế hoạch chinh phục lãnh thổ như các hoạt động buôn bán đơn thuần và kể về tất cả sự tàn bạo của thực dân Bồ Đào Nha.

Do Quốc vương Malacca khiếu nại về cuộc xâm lược của Bồ Đào Nha với Chính Đức đế, người Bồ Đào Nha đã được chào đón bằng sự thù địch từ phía nhà Minh khi họ đến Trung Quốc. Quốc vương Malacca, có trụ sở tại Bintan sau khi chạy trốn khỏi Malacca, đã gửi một thông điệp tới nhà Minh để lên án về thổ phỉ Bồ Đào Nha và những hoạt động bạo lực ở Trung Quốc, khiến triều Minh phải xử tử 23 người Bồ Đào Nha và tra tấn những người còn lại trong tù. Sau khi người Bồ Đào Nha thiết lập các đồn để buôn bán ở Trung Quốc và thực hiện các hoạt động cướp biển và đột kích ở Trung Quốc, nhà Minh đã đáp trả bằng việc tiêu diệt hoàn toàn người Bồ Đào Nha ở Ninh BaTuyền Châu. Pires, một đặc phái viên thương mại Bồ Đào Nha, nằm trong số những người đã chết trong ngục tối ở Trung Quốc.

Nhà Minh đã đánh bại một hạm đội Bồ Đào Nha vào năm 1521 trong trận hải chiến Đồn Môn, giết chết và bắt giữ rất nhiều người Bồ Đào Nha đến nỗi người Bồ Đào Nha phải từ bỏ đàn em của họ và rút lui chỉ với ba tàu, chỉ trốn thoát trở lại Malacca nhờ một cơn gió mạnh làm chìm các tàu chiến của quân đội nhà Minh khi Trung Quốc phát động một cuộc tấn công cuối cùng.

Nhà Minh đã bắt giữ con tin là một sứ giả Bồ Đào Nha và sử dụng như một con bài mặc cả để yêu cầu người Bồ Đào Nha khôi phục vị vua Malacca (vua) bị phế truất lên ngai vàng. Ngoài ra triều đình đã tiến hành xử tử một số người Bồ Đào Nha bằng cách đánh đập và bóp cổ họ, và tra tấn những người còn lại. Các tù nhân Bồ Đào Nha khác bị đưa vào xích sắt và bị giam trong tù. Nhà Minh đã tịch thu toàn bộ tài sản và hàng hóa của Bồ Đào Nha trong quyền sở hữu của sứ giả Pires.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Minh_Vũ_Tông http://www.britannica.com/EBchecked/topic/109252 http://wenhua.qulishi.com/news/201508/42709.html http://www.idref.fr/114266530 http://id.loc.gov/authorities/names/n83122319 http://d-nb.info/gnd/120902230 http://isni-url.oclc.nl/isni/0000000063165321 https://books.google.com/?id=_KIrAQAAIAAJ&q=Asan+y... https://books.google.com/books?id=1LmEC1b1bncC&pg=... https://books.google.com/books?id=ROQVzWT2iiUC&pg=... https://books.google.com/books?id=SQWW7QgUH4gC&pg=...